Nghiên cứu truyền thông - Vai trò của truyền thông

Vai trò của truyền thông

Truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội. Truyền thông tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng. Khi mà một ứng xử của công chúng được lặp đi lặp lại sẽ thành nề nếp, tập quán cuối cùng trở thành những chuẩn mực của xã hội. Nhờ đến truyền thông mà những vấn đề này được xã hội chấp nhận và lan truyền nhanh trong công chúng.

Truyền thông có tác động lớn đến các nhóm đối tượng lớn như sau:

·       Đối với chính quyền nhà nước:

o   Giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin đến người dân về các chính sách kinh tế, văn hóa xã hội, luật pháp đến với dân chúng, thuyết phục công chúng thay đổi về nhận thức và hành xử đúng pháp luật. Ngoài ra chính phủ cũng nhờ truyền thông để thăm dò lấy ý kiến của dư luận trước khi ban hành các văn bản pháp lý. Nhờ truyền thông mà nhà nước điều chính các chính sách quản lý của mình và tạo ra sự đồng thuận cao trong dân chúng.

o   Truyền thông làm cho chính phủ, những người thừa hành pháp luật được trong sạch và minh bạch hơn, thông qua thông tin phản biện của các đối tượng dân chúng trong xã hội.

·       Đối với công chúng:

o   Giúp cho người dân cập nhật thông tin kinh tế văn hóa xã hội, pháp luật trong và ngoài nước. Giúp người dân giải trí và học tập về phong cách sống những người xung quanh. Truyền thông ủng hộ cái đẹp và bài trừ cái xấu. Truyền thông đóng vai trò trong việc tạo ra các xu hướng về lối sống, văn hóa, thời trang…

o   Ngoài ra truyền thông còn giúp cho người dân phản hồi, nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.

·       Đối với nền kinh tế:

o   Nhờ có truyền thông mà doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm và dịch vụ, giúp cho người mua nhận biết và sử dụng sản phẩm và dịch vụ. Truyền thông cũng tạo ra nhu cầu tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ, giúp các công ty tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, giúp kinh tế phát triển. Hơn 90% ngân sách marketing của doanh nghiệp là sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng cáo sản phẩm và dịch vụ để thu hút người tiêu dùng nhận biết và sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ.

o   Bản thân truyền thông cũng là một ngành kinh tế quan trọng của một quốc gia, giải quyết công ăn việc làm và tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

o   Truyền thông cũng là công cụ giúp cho người tiêu dùng phản ánh về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các nhà sản xuất.

**Tính 2 mặt của truyền thông:

·       Truyền thông cũng có tính 2 mặt của nó nếu thông tin, hình ảnh truyền đi mang tính tiêu cực, thì tác động của truyền thông cũng tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho các đối tượng công chúng trong xã hội. Nhất là những đối tượng thanh thiếu niên, những đối tượng có trình độ nhận thức còn thấp, không có khả năng chắt lọc thông tin, nếu thông tin từ truyền thông tiêu cực thì dễ bị lôi kéo và có những tác động tiêu cực cho bản thân và cho cộng đồng xã hội.

·       Trong kinh tế, truyền thông tác động đến tiêu dùng của người dân giúp người dân tiêu dùng nhiều hơn, giúp kinh tế phát triển. Tuy nhiên, truyền thông cũng tác động đến việc con người ngày càng tiêu dùng nhiều hơn so với nhu cầu cần thiết. Con người ngày càng làm việc nhiều hơn để phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng. Các giá trị vật chất ngày càng được xã hội đánh giá cao hơn các giá trị tinh thần. Sản xuất và tiêu dùng nhiều sẽ hủy diệt môi trường và tác động xấu đến đời sống của người dân.

Sự cần thiết của nghiên cứu truyền thông

Với vai trò quan trọng truyền thông rất lớn đối với xã hội loài người, Nghiên cứu truyền thông ra đời để giúp cho truyền thông đóng góp nhiều vai trò tích cực hơn là tiêu cực. Nghiên cứu truyền là các hoạt động nghiên cứu về sự tác động của truyền thông đối với công chúng qua đó các nhà làm truyền thông có sự điều chỉnh về nội dung, hình thức và phương tiện truyền thông để tăng tính hiệu quả của việc sử dụng truyền thông đối với các vần đề của xã hội.

Trong truyền thông có một số loại nghiên cứu như sau:

·       Nghiên cứu tác động của truyền thông đến nhận thức của người dân.

·       Nghiên cứu thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông của người dân.

·       Nghiên cứu đánh giá và thu nhận ý kiến, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với các phương tiện truyền thông hoặc các chương trình trên truyền hình hay radio,…

·       Đo lường chỉ số khán giả của các phương tiện truyền thông.

·       Theo dõi chi phí quảng cáo của các phương tiện truyền thông.