Đừng để cái chết bất ngờ với doanh nghiệp

Theo kết quả báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam có 47.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong khi có tới 44.500 doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tồn tại trong thời buổi kinh tế khó khăn và suy thoái?

Đa số người Việt của chúng ta khi đau ốm bệnh tật, thường đến các tiệm thuốc tây để mua thuốc trị bệnh. Người bán thuốc tây dựa trên kinh nghiệm có thể tự kê toa thuốc và bán cho người bệnh, đôi khi có những người bệnh tự ra toa thuốc cho mình. Kết quả là nhiều người gặp rủi ro, nguy hiểm vì lờn thuốc, hoặc bị uống các loại thuốc không đúng với bệnh lý dẫn đến tử vong đáng tiếc.

Một người muốn có sức khỏe tốt họ nên phòng bệnh hơn là trị bệnh. Muốn phòng bệnh tốt thì cần có thói quen đi khám bác sĩ định kỳ. Bệnh viện với các thiết bị hỗ trợ hiện đại, các bác sĩ có thể phát hiện ra những nguy cơ gây bệnh, từ đó tìm cách ngăn ngừa bệnh. Có một thực tế đáng suy nghĩ, người giàu dành tiền để đi du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng...còn người nghèo thì dành dụm tiền để đi trị bệnh.

Đối với doanh nghiệp cũng vậy. các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng cho mình hệ thống thông tin với các tiêu chí đo lường để có thể nhận biết và chẩn đoán được doanh nghiệp mình “có sức khỏe tốt”, hay đang có nguy cơ rơi vào những căn bệnh khó trị. Nợ xấu là các khối u của những căn bệnh trầm kha của hàng loạt doanh nghiệp bị bệnh lâu ngày không chữa trị được.

Các tập đoàn đa quốc gia lớn, các doanh nghiệp nước ngoài họ có hệ thống thông tin để tự kiểm tra sức khỏe cho thương hiệu hoặc doanh nghiệp mình. Hệ thống thông tin này dựa trên 2 nguồn thông tin chính, đó là nguồn thông tin nội tại của doanh nghiệp, và nguồn thông tin nằm ngoài doanh nghiệp.

Nguồn thông tin nội tại. đó là hệ thống thông tin nội bộ, nhằm để theo dõi doanh nghiệp hàng ngày, hàng tuần, thậm chí một số doanh nghiệp còn theo dõibiến đổi hàng giờ. Hệ thống thông tin nội bộ bao gồm:
• Doanh thu, dòng tiền, chi phí được theo dõi theo ngày, tháng, năm.
• Thông tin đánh giá về năng lực của nhân viên cũng được thu thập định kỳ
• Thông tin về số lượng khách hàng, sản phẩm bán ra, sản phẩm tồn ko cũng được theo 
dõi chặt chẽ.

Hệ thống thông tin này được theo dõi chặt chẽ, chính xác, và được báo cáo định kỳ nhằm mổ xẻ nguyên nhân, tìm ra giải pháp để giải quyết và điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào nguồn thông tin nội bộ thì vấn thiếu cơ sở quyết định và tìm cách giải quyết vấn đề. Ví dụ có một vấn đế mà doanh nghiệp rất khó lí giải đó là giải pháp tăng doanh thu và thị phần.

Đôi khi doanh nghiệp đã làm mọi cách có thể nhưng doanh số bán hàng không tăng và thậm chí là đi xuống. Trong những trường hợp như vậy, doanh nghiệp cần một nguồn thông tin thứ 2 đó là: thông tin bên ngoài của doanh nghiệp.


• Thông tin mà quan trọng nhất từ bên ngoài doanh nghiệp đó là thông tin đánh giá của khách hàng/ người tiêu dùng về hình ảnh, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Đây là thông tin phản ánh về sức khỏe của thương hiệu và mức độ hài lòng cùa khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp.
• Thông tin về khách hàng như văn hóa, lối sống, thu nhập, thói quen và xu hướng tiêu dùng, thói quen giải trí, truyền thông, cách tiếp cận thông tin của khách hàng.
• Thông tin về đối thủ cạnh tranh, sản phẩm và dịch vụ có thể thay thế.


Tất cả thông tin nói trên được cập nhật theo định kỳ, theo quí, 6 tháng hoặc 1 năm để xác định được biểu đồ về sức khỏe của thương hiệu. Thông tin bên ngoài là vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt hiện này, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam với lợi thế về vốn, khoa học công nghệ, kỹ thuật, quản lý, nhân lực...Để hỗ trợ thông tin bên ngoài nhằm giúp doanh nghiệp ra quyết định kinh doanh hiệu quả thì dịch vụ cung cấp thông tin của công ty nghiên cứu luôn sát cánh cùng doanh nghiệp.


Như vậy để biết được sức khỏe của thương hiệu/doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống thông tin quản trị, để có thể ngăn ngừa được các rủi ro có thể xảy ra với doanh nghiệp, luôn luôn có những kế hoạch điều chỉnh giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.