Con đường khởi nghiệp – Luôn có bản kế hoạch kinh doanh trong đầu

Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam, đều không có bản kế hoạch kinh doanh, làm việc theo sự vụ và không có những tính toán và dự tính cho tương lai một cách cẩn thận. Thường chúng ta rơi vào hoàn cảnh “ ăn bữa nay, lo bữa mai”.

Đừng quá cầu kì cho bản kế hoạch kinh doanh, mà hãy viết ra những gì mình dự định về các hoạt động của công ty, tùy theo vào hoàn cảnh của doanh nghiệp mình, Hãy viết ra những gì mình có thể làm được, và có thể đạt được các mục tiêu mà mình mong muốn.

Việc đầu tiên các bạn đề cập trong bản kinh doanh là: Ai là khách hàng mà sản phẩm và dịch vụ của mình có thể bán được cho họ, họ đang gặp phải vấn đề gì, họ có mong muốn gì ?  Sản phẩm và dịch vụ của bạn có đáp ứng tốt nhất cho những nhu cầu nào của khách hàng?

Trong từng tháng, từng năm những khách hàng nào bạn muốn tiếp cận, bằng cách nào? ai sẽ phụ trách công việc này, chi phí đầu tư cho việc tiếp cận khách hàng là bao nhiêu? Doanh số mà công ty có thể đạt được trong trường hợp xấu nhất và tốt nhất là bao nhiêu?

Chi phí cho việc đạt được mức doanh số thấp nhất và cao nhất là bao nhiêu? Mức lợi nhuận mà công ty có thể đạt được trong 2 trường hợp nói trên?

Bạn làm gì để phát triển sản và dịch vụ tốt hơn, mức chi phí đầu tư này là bao nhiêu? Chi phí này lấy ở đâu ra?

Chi phí để gia tăng tiếp cận khách hàng nhằm tăng mức độ nhận biết của sản phẩm và dịch vụ là bao nhiêu? Nguồn đầu tư này ở đâu?

Ai có thể giúp mình phát triển hệ thống phân phối, mức chi phí đầu tư này ở đâu? Làm sao để quản lý và phát triển hệ thống phân phối để sản phẩm và dịch vụ đáp ứng được nhu cầu mua hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi cho khách hàng?

Hệ thống nhân sự của công ty gồm những ai?, ai phụ trách việc gì? ai là người giám sát, đánh giá? Họ có đáp ứng được công việc được giao của công ty không? họ cần đào tạo về những kỹ năng và kiến thức gì? ngân sách lương của công ty lấy ra từ nguồn nào?

Tất cả các câu hỏi trên phải có lời giải và có thể thực hiện được trong khả năng và nguồn lực của doanh nghiệp, Do đó bản kế hoạch kinh doanh phải được viết ra bởi những người quản lý trong doanh nghiệp, Họ mới là người hiểu biết nhất về doanh nghiệp của mình, Trong trường hợp công ty cần những người có kinh nghiệm để có thể dẫn dắt và tư vấn, thì nhà tư vấn chỉ là người đóng vai trò dẫn nhóm, hướng dẫn thảo luận, đồng thời đóng vai trò phản biện và đưa ra các ý kiến theo kinh nghiệm hoặc từ những nguồn thông tin mà họ thu thập được. Không ai có thể làm bản kế hoạch kinh doanh thay bạn, bạn là người phải viết ra.  Và hãy xem bản kế hoạch như kim chỉ nam, hãy theo nó và sẵng sàng điều chỉnh nó, có như vậy bạn mới có thể xuyên suốt phấn đấu và cũng là cơ sở để giám sát và đánh giá lại tất cả các khâu trong doanh nghiệp của mình.