Phân tích cạnh tranh là gì?

Phân tích cạnh tranh là gì? Là quá trình thu thập thông tin và số liệu về  kinh doanh và marketing của đối thủ cạnh tranh trong ngành như là : thông tin về sản phẩm, giá cả, phân phối và truyền thông của các đối thủ; từ đó doanh nghiệp tìm ra cơ hội để có thể đưa ra các quyết định kinh doanh. Có 2 câu hỏi chính mà doanh nghiệp phải có câu trả lời là:

  • Doanh nghiệp có đủ tiềm lực để tham gia và cạnh tranh với các đối thủ của ngành này không?
  • Nếu tham gia ngành, thì doanh nghiệp cần phải đưa ra các chiến lược cạnh tranh như thế nào để có thể gia tăng thị phần và doanh thu cho doanh nghiệp của mình.

Các thông tin cần thu thập và phân tích là:

  • Đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp: phải xác định rõ đối tượng khách hàng và khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp là ai? Họ là ai về giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, khu vực sinh sống để ước tính được độ lớn của thị trường, đồng thời hiểu rõ về nhu cầu, xu hướng tiêu dùng, thói quen tiêu dùng và mua sắm của họ. đặc biệt là đo lường về mức độ yêu thích của khách hàng mục tiêu đối với sản phẩm của doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh chính trong cùng phân khúc khách hàng.
  • Các yếu tố liên quan đến sản phẩm: như tính năng sản phẩm, các yếu tố của sản phẩm mà tác động đến quyết định lựa chọn của người tiêu dùng.
  • Giá cả của sản phẩm trên thị trường: có bao nhiêu phân khúc giá trên thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp nằm trong phân khúc nào? Độ nhạy cảm về giá của ngành và của phân khúc mà doanh nghiệp tham gia là như thế nào? Giá của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh có hợp lý không? Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về giá không?
  • Nghiên cứu chiến lược và kế hoạch marketing của đối thủ, nghiên cứu hiệu quả và sự tác động của các chiến dịch truyền thông của đối thủ: ví dụ như nghiên cứu thị phần về chi phí quảng cáo của các đối thủ so với thị phần về thương hiệu của họ;  từ đó doanh nghiệp có thể cải tiến hoặc thay đổi kế hoạch marketing của mình nhằm gia tăng doanh số và thị phần cho doanh nghiệp mình.
  • Nghiên cứu sự khác biệt của doanh nghiệp và các đối thủ: sự khác biệt về thương hiệu và sản phẩm là các yếu tố về sản phẩm và thương hiệu mà làm cho khách hàng quan tâm và mua sản phẩm; Các yếu tố này chỉ có doanh nghiệp có mà các đối thủ không có hoặc khó bắt chước.

Từ các thông tin nói trên, nhà nghiên cứu đưa thông tin vào mô hình SWOT để phân tích, sau đây là mô hình SWOT:

Mô hình phân tích SWOT

  • Mô hình phân tích SWOT: là quá trinh thu thập các thông tin bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp từ đó xác định được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp mình khi tham gia thị trường.
  • Điểm mạnh là phân tích bên trong doanh nghiệp xác định những điểm mạnh của doanh nghiệp so với đối thủ khi tham gia thị trường. Là các yếu tố cần phải phát huy để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mình
  • Điểm yếu là phân tích các yếu tố bên trong doanh nghiệp có những điểm yếu hơn so với đối thủ khi tham gia thị trường. Là những yếu tố mà doanh nghiệp cần cải tiến để gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.
  • Cơ hội là phân tích các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp có thể tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể khai thác làm gia tăng doanh số và thị phần.
  • Thách thức: là các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp mà có thể tác động làm cho doanh nghiệp gặp phải rũi ro, hoặc có nguy cơ làm giảm doanh thu và thị phần của mình. Đây là những yếu tố mà doanh nghiệp cần phải lường trước để có kế hoạch đối phó trong quá trình kinh doanh của mình.

Phân tích SWOT giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường, biết mình biết ta để có thể tùy cơ ứng biến, đồng thời vạch ra các chiến lược và kế hoạch cạnh tranh làm gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời có những kế hoạch và phương án có để có thể đối phó trong trường hợp xấu nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình kinh doanh của mình.